Tuesday, June 29, 2010

Ði làm tới già vẫn chưa được nghỉ

Ði làm tới già vẫn chưa được nghỉ
Sunday, June 27, 2010 Bookmark and Share





Tuổi nghỉ hưu được nâng lên tại nhiều nơi trên thế giới

NEW YORK (CNNmoney.com) - Cố gắng cải tổ các phúc lợi hưu bổng từ lâu đã làm cho không khí chính trị ở Washington dễ bùng nổ. Âu Châu cũng không khác gì.

Ngày nay, nhiều nước Âu Châu, những nước cũng nợ nần chồng chất như Hoa Kỳ, đang xem xét việc nâng tuổi mà những người nghỉ hưu có thể lãnh một phần hoặc trọn vẹn các phúc lợi hưu bổng. Không có gì ngạc nhiên khi chưa gì không khí đã bị khuấy động.

Tuổi nghỉ hưu thay đổi tùy theo quốc gia. Trong khi nhiều nước ấn định 65 như tuổi chính thức mà một người có thể hưởng đầy đủ các phúc lợi, vài nước chủ trương một thời điểm sớm sủa hơn để các công nhân ngưng cuộc bon chen.

Vài nhóm công nhân ở Hy Lạp hiện giờ có thể xin hưởng các phúc lợi ở tuổi ngoài 50, trong khi tuổi nghỉ hưu đối với mọi người khác là 60 cho phụ nữ và 65 cho đàn ông. Một cuộc cải tổ hệ thống hưu bổng được dự tính sẽ thay đổi mọi điều đó.

Tại Pháp, 60 là tuổi khởi điểm cho hầu hết mọi người để hưởng hưu bổng trọn vẹn nếu họ đã làm việc được 40 năm. Những người đã khởi sự làm việc ở tuổi thiếu niên có thể hưởng các phúc lợi sớm hơn, có thể vào năm 56 tuổi. Nhưng hiện đang có một đề nghị sẽ nâng tuổi nghỉ hưu lên tới 62. Các nghiệp đoàn lao động Pháp vào tuần trước đã bày tỏ bất mãn với ý kiến trên trong một cuộc đình công toàn quốc.

Tại Âu Châu và Hoa Kỳ, tuổi thọ và thời gian sống trong tình trạng nghỉ hưu đang gia tăng, trong khi tỉ lệ sinh sản và con số các công nhân đóng góp và các hệ thống an sinh xã hội đang giảm bớt.

“Không những người ta sống lâu hơn, họ cũng đang nghỉ hưu sớm hơn,” theo ông John Turner, giám đốc của Trung Tâm Chính Sách Hưu Bổng.

Vào cuối thập niên 1960, đàn ông tại Tây Ban Nha trải qua chưa tới 10 năm trong tình trạng nghỉ hưu, hiện giờ họ trải qua hơn 20 năm, theo các dữ kiện được đúc kết bởi Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OECD) và tờ Economist. Tại Pháp, thời gian nghỉ hưu đã tăng từ 10 năm lên tới gần 25 năm. Bước nhảy ở Hoa Kỳ cũng lớn nhưng không lớn quá như vậy: từ dưới 10 năm lên tới khoảng 18 năm.

Theo bà Estelle James, một cố vấn cho Ngân Hàng Thế Giới, cho dù tuổi nghỉ hưu ở Hoa Kỳ không bắt kịp với tuổi thọ, nó theo sát hơn so với nhiều nước Âu Châu.

Các công nhân Mỹ quyết định về hưu non có thể khởi sự hưởng một phần các phúc lợi An Sinh Xã Hội ở tuổi 62; hưởng trọn phúc lợi vào tuổi 66 (một con số sẽ gia tăng tới 67 vào năm 2027). Họ có thể hưởng phúc lợi cao hơn nếu họ trì hoãn việc nghỉ hưu cho tới năm 70 tuổi.

Trên một quan điểm kinh tế, theo ông Turner, một tuổi nghỉ hưu sớm nên tăng dần lên tới 63 và tuổi nghỉ hưu hoàn toàn lên tới 68. Ðiều đó sẽ làm cho tuổi về hưu phù hợp với tuổi thọ và giúp hệ thống An Sinh Xã Hội duy trì khả năng thanh toán trong trường kỳ.

Những người không muốn tăng tuổi về hưu thường nhấn mạnh, và họ nói đúng, rằng không phải mọi công nhân đều có thể làm việc cho tới tuổi nghỉ hưu chính thức, hoặc vì các lý do sức khỏe hoặc vì công việc của họ đòi hỏi thể lực.

Tuy nhiên, theo ông Turner, những vấn đề đó được nêu lên như thể chúng chiếm đa số, trong khi chưa tới 10% các công nhân rơi vào những nhóm này và rằng các chương trình có thể nhắm vào họ để giúp đỡ.

Dĩ nhiên, gia tăng tuổi nghỉ hưu chỉ là một phần nhỏ của vấn đề cải tổ hưu bổng nan giải đã gây ra cuộc tranh cãi. Những thay đổi về thuế để yểm trợ các phúc lợi hưu bổng và những điều chỉnh cho các công thức để quyết định các phúc lợi cũng nằm trên bàn thảo luận.

Nhiều hệ thống an sinh xã hội, như hệ thống ở Hoa Kỳ, phần lớn theo nguyên tắc đóng góp trong khi làm việc. Các công nhân và các chủ nhân của họ trả tiền vào hệ thống và những thu nhập đó được dùng để yểm trợ cho những người hiện đang nghỉ hưu.

Vài nước, như Thụy Ðiển và Ðức, đã áp dụng việc cải tổ trong những năm gần đây. Họ đã thiết lập các cơ chế an toàn sẽ tự động điều chỉnh các phúc lợi nếu cần để các hệ thống hưu bổng của họ duy trì khả năng thanh toán.

Liệu những loại thay đổi đó có được chấp thuận tại Hoa Kỳ hay không là điều không rõ ràng. Nhưng điều hiển nhiên là khi các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ phải cải tổ hệ thống An Sinh Xã Hội - mà họ đã không làm kể từ năm 1983 - hầu như chắc chắn mọi đề nghị thay đổi đều trở thành một cuộc chiến cam go. (n.n.)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=115207&z=18